tiềm kiếm nâng cao

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

TẤM LÒNG CHÂN THẬT


Tấm lòng chân thật

         Mọi thứ đều vô thường, đây không là lời tuyên bố mà là chân lý, một quy luật tự nhiên của vũ trụ. Thuyết tiến hoá của Darwin chẳng qua chỉ là hệ quả của vô thường. Vô thường là sự biến đổi, không thường còn, không mãi mãi, không muôn năm. Ngay trong một phút đồng hồ, hằng hà sa só yếu tố đã thay đổi, nói chi đến muôn năm, điều quan trọng là sự thay đổi này mang đến điều tốt đẹp hơn hay tệ bạc hơn. Nhiều người cứ cho vô thường là khổ, là địa ngục, có thể họ xem xét về sự kéo dài đời sống của sự vật. Nhìn sâu sẽ thấy vô thường là hạnh phúc. Nhờ vô thường nụ hoa sẽ nở thành bông, mặt trời mọc lên, em bé trở thành người lớn, vong linh sẽ siêu thoát, thái tử Sĩ Đạt Ta tu tập thành Phật… Nếu không có vô thường, nụ hoa mãi mãi là nụ hoa, mặt trời chẳng bao giờ mọc hoặc mọc hoài không lặn, em bé không thể là chàng trai, vong linh chịu khổ muôn đời và Sĩ Đại Ta chỉ là Sĩ Đạt Ta mà thôi. Trong một bài giảng, sư cô Như Thủy nói hạnh phúc là được chết và chết có trật tự. Vô thường giúp cho mình được chết và tiếp nối. Cái chết không xảy ra, con người phải xây nhà dưới biển mới đủ chỗ ở. Người cho vô thường là khổ vì sợ chết, sợ không đủ thời gian để hưởng thụ. Chính sự sợ hãi này, người sinh lòng không chân thật, đó là quyết định sống vội vàng, sống bon chen, sống thâu tóm hay sống tàn hại. Người với tấm lòng chân thật chấp nhận vô thường, xem nó là điều kiện của hạnh phúc, rồi quyết định sống chậm, sống sâu sắc trong hiện tại, tiếp xúc với thực tại cùng tột và nhìn nhận vô thường là chất xúc tác tạo nên sự sống.
             Tấm lòng chân thật là gì, có phải thật thà, liêm khiết hay không? Chân là chân chính, thật là tôn trọng sự thật, chân thật là sống chân chính và tôn trọng sự thật. Hiền lành là một yếu tố của chân thật nhưng đừng hiền lành quá mà thành ra nhu nhược. Hiền lành chứa đựng yếu tố nhẫn, vì thương mình thương người nên thực tập tính hiền lành nhưng phải đủ can đảm nói lên sự thật, kêu gọi công bằng bình đẳng, bảo vệ nhân phẩm quyền làm người. Tấm lòng chân chính biểu hiện ở người có lương tâm nên suy nghĩ, hành động và nói lời thiện, không gây tổn hại bất cứ ai. Do ghê sợ tội lỗi và cảnh khổ địa ngục, người áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức cho hành vi của mình trong tất cả mọi hoạt động của đời sống. Tôn trọng sự thật không đơn giản là chuyện có nói có chuyện không nói không, mà cao siêu hơn cả là chấp nhận sự thật về chánh pháp. Bốn Sự Thật Vi Diệu (Tứ Diệu Đế) là một sự thật, thực tập sự thật này là có hạnh phúc, giải thoát khổ đau. Tám Con Đường Chân Chính là một sự thật, thực tập sự thật này là đi trên con đường hạnh phúc, an lạc, thảnh thơi. Vô thường, vô ngã, Niết Bàn là một sự thật, chấp nhận sự thật này là bước vào sự thanh tịnh, gỡ bỏ mọi rào cản của khổ đau. Luật nhân quả hay thuyết mười hai nhân duyên là một sự thật, tôn trọng sự thật này là đón nhận hạnh phúc, chuyển hoá khổ đau, dứt trừ những tai nạn và sống đời thánh thiện. Ăn hiền ở lành là câu nói đầu môi ông bà hay dạy con cháu. Ăn ở đây là sự tiêu thụ, biết lựa chọn các thức ăn và giải trí lành mạnh giúp thân tâm thêm tráng kiện. Ở lành là cách đối nhân xử thế, hành vi đời sống phù hợp với chuẩn mực đạo đức mà các nhà đạo đức, các nhà giáo dục, các tôn giáo ủng hộ. Mỗi người cần yểm trợ nhau thực tập đạo đức, đồng thời vinh danh những người thực tập giỏi. Đạo đức quan trọng hơn tài năng, có tài mà không có đức thì thà không có tài còn hơn. Một công ty tuyển dụng bên cạnh tài năng, cần quan tâm đến đạo đức, đơn giản vì tài năng giúp công ty thành tựu nhanh chóng nhưng đạo đức giúp cho thành tựu đó phát huy vẻ đẹp của nó.
             Bằng tấm lòng chân thật, người chấp nhận cái nghèo và sống an vui với cái nghèo. Nghèo không phải là tội nhưng làm ăn thế nào để không bị quá thiếu thốn và túng quẫn. Người Việt Nam có câu, nghèo cho sạch, rách cho thơm, thà sống nghèo mà giữ được tình nghĩa, giữ thủy chung, hiếu thảo ông bà cha mẹ, anh em đùm bọc bên nhau, còn hơn giàu nhưng rất ít dịp nhìn thấy mặt rồi sinh ra những tật xấu. Người có quyền làm giàu nhưng làm giàu trên sự bình đẳng hơn là trên sự bất công của xã hội. Làm giàu chính đáng được khuyến khích không chỉ theo tinh thần tôn giáo mà còn theo tinh thần xã hội. Ngồi than vãn cho cái nghèo chỉ làm mất thì giờ vì ngồi than thì không thể té ra gạo ra cơm ăn được. Muốn thoát nghèo thì phải làm việc và khi làm việc, hãy làm việc chân chính, không vì cái nghèo mà sinh đạo tặc. Cũng có câu, bần cùng sinh đạo tặc, tức là nghèo quá nên đánh liều làm bậy, như vậy tạo nghiệp, nghèo sẽ càng nghèo thêm. Chấp nhận nhưng không an phận, tức là biết vươn lên, học hành, làm việc, yêu thương người hết lòng, đến lúc nào đó mình hết nghèo thôi. Cần hiểu rõ vì sao mình nghèo, mình đã làm gì để nghèo như vậy. Kiếp xa xưa mình có tham nhũng không, có cướp bóc không, có ăn chặn tiền bạc không nên kiếp này mình phải trả nghiệp. Tuy nhiên, đừng dính vào cái nghiệp đó, mình vẫn hoán chuyển được nó nếu bản thân biết bố thí ngay bây giờ, không bố thí bằng tài sản được thì bố thí bằng tinh thần. Trường hợp thực tập bố thí mà còn mong cầu giàu sang, e rằng đó là sự đổi chác, tâm không còn vô tư, nên hiệu quả của nó giảm đi ít nhiều. Người nghèo vẫn có thể tu và bố thí, thậm chí giỏi hơn cả người giàu. Người đẹp đẽ là người biết tu tập, không phải giàu tiền giàu bạc, ăn mặc sang trọng, bôi son trát phấn. Mình nên thường xuyên nhìn người ở cái tâm của họ, đừng nhìn bề ngoài mà lầm. Vậy nghèo đâu thực sự nghèo và giàu đâu thực sự giàu. Giàu nghèo chỉ là ý niệm, không đo lường được hạnh phúc đích thực. Bằng tấm lòng chân thật, mình không kỳ thị giàu nghèo, mình lắng nghe tất cả và điều quan trọng là tập tâm bình đẳng dù đối tượng đó là ai.
             Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một bài hát để cập ý niệm, sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Thầy Minh Niệm cũng nhắc đến tấm lòng mà người cần phải có. Thật ra ai cũng có sẵn tấm lòng, chỉ vì mình quên, mình dấu nó đi, thậm chí xấu hổ khi nói về tấm lòng trong thời đại người ta chỉ quan tâm đến chụp giựt và ôm đồm mọi thứ về phía mình. Thời gian trôi qua rất nhanh, và nó bị phí phạm trong những trò chơi của thế gian. Một lời cảm ơn, một câu chào, một nụ cười, một lời chia sẻ sao thấy quá xa vời. Lòng mình gần như chai sạn bởi cái gọi là cơm áo gạo tiền. Thôi vọng tưởng cho lòng trong sáng trở lại. Vọng tưởng là suy nghĩ không đúng đắn về sự vật. Buông bỏ không phải là buông bỏ sự vật mà là buông bỏ vọng tưởng về sự vật. Mình vẫn lo cơm áo gạo tiền nhưng đừng ảo tưởng về cơm áo gạo tiền, như cho nó là điều kiện duy nhất của hạnh phúc. Không ít người trẻ yêu bằng con mắt nhưng không ít người trẻ yêu bằng con tim. Yêu bằng mắt, đó là tình yêu tạm bợ. Yêu bằng con tim, đó là tình yêu có thủy có chung. Yêu bằng con tim là yêu bằng tấm lòng chân thật, khát khao mang hạnh phúc đến cho người yêu. Có thể mình còn non nớt, còn ít kỷ, còn tham lam, mình vẫn chưa cao thượng nhưng nếu dừng lại một chút, lắng nghe một chút, chia sẻ một chút dù chỉ nhỏ nhoi, mình đang tạo cơ hội cho tấm lòng trong mình được thức dậy. Tấm lòng chân thật có giá trị lớn và mình cảm thấy an tâm bởi sự chân thật đó. Thử làm một cuộc thí nghiệm, đến ngồi gần một người chân thật, mình sẽ thấy thoải mái, dễ chịu và muốn chia sẻ nhiều hơn, còn ngồi gần một người không chân thật, mình thấy khó chịu, lo lắng và chuẩn bị các phương án phòng thủ. Nhiệt huyết của người không phải là sức trẻ hay đam mê mà là sự chân thật, vì mình có thể làm mọi thứ không chùn bước, không bị sự sợ hãi làm cho kiệt quệ.
             Thật vậy, tấm lòng chân thật là đức tính quyến rũ nhất ở con người. Con người hấp dẫn nhau vì họ có niềm tin, biết yêu thương, biết trân quý nhau. Mình biết nâng đỡ và chia sẻ những khó khăn, nên mình vẫn bên nhau, vẫn một lòng một dạ. Nếu không có tấm lòng, mình rất mau quên và hình như mình thích quên, quên tình thâm nghĩa nặng, quên nghĩa tào khang, quên hiếu thảo, quên tình huynh đệ. Mình sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn nếu cứ mãi quên như thế và có người nhắc cho, mình vẫn chưa tỉnh ngộ. Lòng chân thật của đức Phật rất rõ và ngài là người quyến rũ nhất thế gian, không phải ba mươi hai tướng tốt mà là tấm lòng yêu thương muôn loài biểu hiện qua từng lời nói, hành vi, ứng xử và cách tu tập. Nhìn vào cách người ứng xử, biết ngay người có tấm lòng hay không, có phải con Phật không hay đã bán mình cho quỷ dữ. Tấm lòng biểu hiện khắp mọi nơi và sơ ý chút xíu, sự chân thật sẽ bị ô nhiễm. Bài hát Cô Thắm Về Làng nói về một cô gái quê lên tỉnh trở về thay đổi cách ăn mặc, nói năng; bề ngoài có thể thay đổi, nhưng tính chất phác, mộc mạc bên trong của cô thì không nên thay đổi. Thay đổi xảy ra, cô nên chân thật nhiều hơn trước, đó mới là cách thay đổi hay. Nhiều cha mẹ khen con mình là khôn lanh vì nó biết đối đáp, biết ăn miếng trả miếng với người ngoài. Nghe có vẻ hay đấy nhưng có khi mình khiến đứa trẻ xa rời tính chân thật vốn có. Khi học, hãy học chân thật, khi làm việc, hãy làm việc chân thật, khi yêu thương, hãy yêu thương chân thật. Chân thật có hay yếu tố: thứ nhất là đối tượng về chân thật, thứ hai là tính chất của đối tượng. Nói về việc học, học chân thật là học những điều nói về sự chân thật và học một cách chân thật, tức là áp dụng chân thật vào việc học. Sở dĩ phải học chân thật vì ngày nay, học trò học không chân thật hoặc bị ép phải học không chân thật quá nhiều. Hơn nữa trường hợp được học chân thật, họ không có đủ điều kiện học một cách chân thật, không áp dụng hay không được khuyến khích.
             Hãy dạy cho người trẻ sống bằng tấm lòng chân thật, họ sẽ vững chãi và giúp ích cho đời nhiều hơn, đồng thời giảm thiểu những địa ngục không đáng có. Họ cứ đặt những câu hỏi đại loại theo kiểu hám danh như, mình là ai, mình phải làm gì, mình sẽ ở đâu trong nhiều năm tới, mình phải đạt cái gì… trong khi tấm lòng bị hoang phế, không biết chăm sóc và nuôi dưỡng. Tôi chứng kiến nhiều người nổi tiếng và giàu có đau khổ vô chừng vì họ dính vào chúng mà dính vào cái gì đều phải lo cho nó, càng lo càng ít có hạnh phúc. Sứ mệnh của nhân loại là tấm lòng chân thật, thực hiện được sứ mệnh này, người hoàn thành bất cứ sứ mệnh nào khác một cách dễ dàng. Nhưng vì mình lựa chọn con đường xa rời tấm lòng, càng đi mình càng nghèo nàn, ốm yếu, co rút và cô đơn. Tâm chân thật cũng gian nan lắm, không phải suôn sẻ gì, giống như muốn giúp người nhưng không phải lúc nào người cũng để cho mình giúp. Kỳ bão ở Miến Điện, một số nước muốn đến cứu trợ nhưng chính quyền nước này không cho phép, muốn cứu cũng không cứu được. Lòng tốt phải đủ điều kiện mới phát huy. Một tu sĩ muốn độ đời phải có đủ nhân duyên, bằng không sẽ tạo phản ứng ngược, chưa độ được gì mà đã gây ra nhiều tiếng oan. Người trẻ có tấm lòng không chạy theo hướng của hưởng thụ mà chạy theo hướng của phụng sự, hy sinh những đòi hỏi cá nhân để cống hiến cho lợi ích chung của tập thể. Như một người lính nằm xuống cho hành vạn sinh linh được sống, nhưng muôn loài được sống mà bản thân vẫn bảo toàn thì vẫn hay hơn. Bồ tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu để bảo toàn đạo pháp, không phải ông tự tử mà ông muốn làm ngọn đuốc soi rọi vào u mê tăm tối của con người, đây là hành vi vị pháp thiêu thân để giữ chánh pháp, nên người đời tôn ông là một vị bồ tát. Tấm lòng của ông khiến nhiều người noi theo và người ta vẫn còn nhớ ông ngồi đó, trong ngọn lửa, bình thản, vững chãi. Người có tấm lòng luôn bình thản và vững chãi như vậy.
             Sống tột cùng chân thật là phương châm tìm lại sự chân thật của lương tâm. Bất luận người là ai, là tu sĩ, là sinh viên, là doanh nhân, là nhà chính trị, là bác sĩ, là công nhân…, điều cần làm là làm việc, sinh sống bằng lòng ngay thẳng và chân thật. Dĩ nhiên chân thật như thế nào để mang niềm vui cho mình và người. Chân thật với người đã khó nhưng chân thật với mình lại còn khó hơn, đơn giản mình ít khi chấp nhận cái thật trong mình, mình hay trốn chạy và chỉ thừa nhận cái không thật. Như một người đang say có bao giờ chịu mình say. Nói anh say rồi, người phân bua, tôi đâu có say, tôi say bao giờ, mặc dù chân nọ xỏ chân kia. Trong ngõ ngách tâm hồn, có những nơi chân thật và những nơi không chân thật, sống chân thật là biết rõ điều gì chân thật và cũng biết rõ điều gì không chân thật. Mình nói ra được nỗi đau của mình, không lấp liếm nó bằng những hạnh phúc trá hình hay trốn chạy bằng các trò giải trí thế gian. Tôi được kể về một đứa trẻ tuổi teen nhà nghèo nhưng vì đua đòi chúng bạn, đã chối bỏ cái nghèo của mình và đi vào thế giới ảo, đánh mất tuổi thiếu niên hồn nhiên trong sáng. Người lớn cũng vậy, nói dễ, làm thì không dễ và lắm lúc làm nô lệ cho lời nói của mình, theo kiểu há miệng mắc quai hoặc lỡ nói rồi nên phải làm, bằng không người ta chê cười. Do sĩ diện, mình khó sống chân thật, thậm chí mình làm gây hại mối quan hệ và tổn thương người thân. Sự chân thật giúp mình dễ mến và có nhiều bạn bè, còn sử dụng lời nói hoa mỹ, hình tượng kiêu kỳ hay vẻ hào nhoáng bên ngoài, chỉ là phương tiện che lấp những sáo rỗng bên trong. Sống chân thật, mình không hổ thẹn với bản thân, lương tâm không bị cắn rứt, không rơi vào tình trạng người ta nói đùa là “còn lương tâm nữa đâu mà cắn”. Đứa con tự hào về người cha bởi tính chân thật của cha mình, ông biết làm việc, sáng tạo và cống hiến cho sự sống một cách đàng hoàng, ông trở thành tấm gương cho đứa con, nhìn đứa con biết người cha như thế nào.
             Ngày nay có từ gọi là tấm lòng vàng. Người biết chia sẻ tài sản, sự chăm sóc, khả năng giúp đỡ người thiếu thốn hay hoàn cảnh khó khăn được cho người có tấm lòng vàng. Đó là hành động đáng quý nhưng chưa đủ. Có bao giờ mình nghĩ chia sẻ sự chân thật hay không, tức là bố thí tấm lòng chân thật. Đây là món quà vô giá, nếu không nói là món quà tối thượng. Mình cho căn nhà, cho tài sản, cho tim thận, cho máu, nhưng mấy ai nghĩ đến việc cho đi tấm lòng chân thật. Không tốn sức lực gì hết, không tốn tiền gì hết, bằng lối sống chân thật, suy nghĩ từ ái, nói lời yêu thương, hành động hoà nhã, mình đã cống hiến sự chân thật không biết bao nhiêu mà kể. Đâu cần phải giàu có mới làm phước, người nghèo, người trắng tay vẫn làm phước theo cách mà ít người nghĩ tới và cách sống chân thật là làm phước cao siêu. Thử nhìn một tu sĩ đi khoan thai trên đường, vị ấy chưa thuyết pháp, chưa độ đời, chưa là thánh tăng, nhưng vị ấy đã ban phát hoà bình cho nhân loại, nhờ vào sự tu tập của vị ấy. Cho nên nói một người biết tu, vạn người hưởng, mọi người tu, thiên hạ thái bình
Bài sưu tầm